Đặt tên cho con: Phải "Tây"

Thời gian gần đây, xu hướng đặt tên và gọi tên con trẻ theo tiếng nước ngoài đang được nhiều phụ huynh coi là “mốt", nảy sinh tâm lý "sính ngoại" ở trẻ. Liệu điều này có tốt?

 

Sính ngoại đặt tên con

Nhiều phụ huynh muốn đặt tên con theo "Tây" vì muốn theo "mốt".

Vợ chồng chị Nguyễn Hoàng Yến vốn là dân tốt nghiệp trường ĐH Ngoại ngữ, sau này lại làm việc trong môi trường nhiều người nước ngoài nên có lối sống khá “Tây”.

Từ khi con còn nhỏ, vợ chồng chị Yến đã gọi bé là Precious (sự quý giá), như một cách thể hiện tình cảm với cô con gái rượu. Hơn nữa, chị muốn con mình có một cái tên tiếng Anh trước khi bước vào môi trường giáo dục quốc tế.

Mặc dù, tên trong giấy khai sinh của cô bé là Phương Anh, nhưng nick name “Precious” lại trở nên quen thuộc hơn với cô bé tới mức bất cứ ai gọi không đúng cái tên này, Phương Anh đều tỏ vẻ khó chịu.

“Mẹ phải dùng tên tiếng Anh của con khi đăng ký để cô giáo và các bạn biết nhé!”, bé Phương Anh (5 tuổi) giao hẹn với chị Yến trước khi hai mẹ con đến đăng ký một lớp học múa ở quận Ba Đình, Hà Nội.

Trước thái độ trên của đứa trẻ, bà ngoại bé Phương Anh không ít lần phàn nàn với vợ chồng chị Yến: “Các con nên gọi tên thật của con bé, chứ mẹ thấy gọi tên tiếng Anh chẳng ra làm sao. Cháu có tên tiếng Việt sao cứ phải gọi bằng tên tiếng Anh. Bố mẹ già rồi nên mỗi lần gọi tên cháu cứ líu hết cả lưỡi, không gọi đúng tên thì con bé khóc”.

Hiện nay, xu hướng đặt tên cho con theo tiếng nước ngoài đang được nhiều phụ huynh coi là “mốt”. Họ thường dùng những nick name như Jack, Jennifer, Andy, Tommy, Elly, Channel… để gọi con, riết rồi thành quen.

Điều đáng nói, những cái tên “Tây” mà bố mẹ đặt cho trẻ đã trở nên quen thuộc và được hầu hết các em sử dụng ở trường, được bạn bè, thầy cô gọi.

Cô bé Vũ Thu Trang, 8 tuổi, hiện đang học ở một trường tiểu học quốc tế nằm trong khu đô thị Ciputra, quận Tây Hồ khoe: “Trên nhãn vở, nick yahoo, tài khoản Facebook đều được em đặt tên là Gabriel Vũ vì em thích cái tên này. Hơn nữa, do trường của em là trường quốc tế, nên thầy cô muốn chúng em đổi tên tiếng Anh cho dễ gọi”.

Rắc rối ở chỗ Thu Trang cũng muốn tất cả mọi người phải gọi mình bằng tên nước ngoài kia. Thậm chí trong những buổi sinh hoạt hè trong khu phố, Trang ghi luôn tên Gabriel vào danh sách đăng ký khiến các anh chị phụ trách đoàn đội cũng lúng túng.

Bên cạnh đó nhiều ông bố, bà mẹ mặc dù không biết tiếng Anh nhưng cũng thích đặt cho con những cái tên nửa Tây, nửa Việt theo một thần tượng một nhân vật nổi tiếng nào đó. Thậm chí, nhiều gia đình chọn tên nước ngoài đặt cho con với mục đích sau này cho con du học, làm việc và định cư ở nước ngoài

Đôi lúc tâm lý “sính ngoại” do tác động từ phía giáo viên. Có nhiều bé ở nhà gọi bằng tên gọi Việt, nhưng khi theo học tiếng Anh ở trung tâm thì được các thầy cô bản ngữ đặt một tên tiếng Anh cho dễ gọi.

Thật ra, tên nước ngoài kèm theo họ Việt xưa nay không phải là ít, song phần lớn những tên gọi này có nguồn gốc từ những cuộc hôn nhân của một bộ phận người Việt với người nước ngoài, hay người Việt sống ở nước ngoài nhiều năm. Những cư dân này sinh con ở nước đang lưu trú và đặt tên con như một cách giúp đứa trẻ hoà nhập với môi trường học tập tại địa phương.

Trong những trường hợp này, khi trở về gia đình, bố mẹ, con cái vẫn gọi tên nhau bằng tên gọi Việt vì họ không muốn những đứa trẻ quên nguồn gốc… Ngay cả người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, cho dù tên dài, khó đọc nhưng cũng không bao giờ đổi tên vì muốn giữ truyền thống dân tộc.

Khi được hỏi lý do đặt tên nước ngoài cho con, nhiều người bảo rằng… cho hợp thời. Như anh Nguyễn Văn Tuân, (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Ông bà nội ngoại đều muốn đặt tên ở nhà cho con trai tôi là “Cute” nhưng tôi thấy nó không “Tây” chút nào.

Anh cho biết, ở lớp tiếng Anh mà cháu đang học, 100% các bé đều có tên theo tiếng nước ngoài. Sau khi cân nhắc, anh đặt lại tên cho con là Brian nhưng vì không biết cách phát âm nên anh đọc đại là “Bi ần” cho dễ.

“Mấy hôm trước, tôi phải đến lớp nhờ cô giáo ghi cách phát âm vào tờ giấy về học thuộc nhưng nhẩm mãi vẫn chưa phát âm chuẩn. Thôi thì cháu nó thích và nghe cũng lạ tai nên giờ tôi đã quen gọi cháu với cái tên ngoại này…”, anh nói.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, cô Nguyễn Thu Phương, giáo viên trường Tiểu học Thanh Quan quận Hoàn Kiếm cho rằng, việc cha mẹ chuyển sang gọi con bằng tên “Tây” thay tên thật là không nên. Điều này cũng không thể viện lý do là “hội nhập”, bởi yếu tố hoà nhập không nằm ở tên gọi mà là trí tuệ và bản ngã của mỗi con người.

Theo cô, nếu tâm lý “sính ngoại” ăn sâu, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng Tây không ra Tây, ta không ra ta, lai căng pha trộn và rất khó chấp nhận.

Phó giáo sư Văn Như Cương cũng cho rằng việc cha mẹ đặt tên “Tây” cho con và bản thân trẻ cũng thích cái tên này do xuất phát từ tâm lý sính ngoại. Nhiều đứa trẻ vì thần tượng một diễn viên, ca sĩ nước ngoài nên muốn đặt tên mình giống như vậy. Mặt khác, xu hướng phim ảnh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các em.

“Tuy nhiên trong truyền thống người Việt ta, cái tên không chỉ là để gọi, để phân biệt người này với người khác mà còn chứa đựng biết bao sự mong muốn, sự kỳ vọng của ông bà cha mẹ, và thể hiện bản sắc của dân tộc”. Theo ông Cương, về điểm này tên nước ngoài nghe thì vui tai, nhưng không thể hiện được cảm xúc, không tạo ra sự thân mật, gắn bó như thế.

xem thêm: Toàn tập hướng dẫn tỉ mỉ đặt tên hay nhất hiện nay

Theo HPGD

 

Tham Gia Group Dành Cho 2K13 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

Viết bình luận: Đặt tên cho con: Phải "Tây"

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247