Sơ tuyển trước khi xét tuyển
Theo đó, trường Đại học Quốc gia TPHCM sẽ tổ chức sơ tuyển những thí sinh có điểm trung bình THPT đạt 6,5 điểm trở lên (điểm trung bình của năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12).
Tuy nhiên, theo PGS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn: “Việc đặt ra ngưỡng này chỉ thuận lợi cho các trường trong công tác tuyển sinh do hạn chế được phần nào TS ảo. Còn xét về khía cạnh giáo dục là đang “khóa sổ” cơ hội vào học ĐH Quốc gia của những TS không đạt mức điểm này”.
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, cho rằng cần nhìn nhận việc này ở góc độ phân luồng giáo dục. Theo tiến sĩ Chính, TS không đạt ngưỡng điểm trên sẽ có cơ hội để vào các trường ĐH khác hoặc sẽ vào ĐH Quốc gia bằng con đường khác.
Ủng hộ đề án, tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên nói nhiều nước trên thế giới cũng chọn giải pháp này để tuyển TS vào trường, nên cũng cần có ngưỡng để khẳng định uy tín của mình.
Chốt lại vấn đề, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM bảo lưu chủ trương sơ tuyển trước khi xét tuyển vì cho rằng việc sơ tuyển sẽ giúp các trường thuận lợi hơn trong quá trình đào tạo sau này. Hơn nữa, số lượng TS đạt điểm trung bình từ 6,5 điểm trong các trường THPT hiện nay, đặc biệt là trường ngoài công lập, là “dễ ợt”.
Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức sơ tuyển trước khi xét tuyển năm 2015
Lệ phí xét tuyển Đại học Quốc gia TPHCM năm 2015
Đến thời điểm này, ĐH Quốc gia TP.HCM đã chốt cơ bản đề án tuyển sinh năm 2015 trên tinh thần sơ tuyển thí sinh dựa vào kết quả học bạ THPT trước khi xét tuyển chính thức thông qua kết quả kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức. Tuy nhiên, nhiều vấn đề mang tính kỹ thuật của quá trình xét tuyển đã được đưa ra bàn thảo sôi nổi tại cuộc họp.
Một trong những vấn đề gây nhiều ý kiến trái chiều là lệ phí xét tuyển. Theo tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa, các trường nên thu lệ phí xét tuyển thông qua thẻ cào điện thoại. Nếu áp dụng hình thức này các trường có thể chỉ thu được 50-60% số tiền thực tế do tiền chiết khấu rất lớn, nhưng bù lại sẽ rất thuận tiện cho học sinh khi nộp lệ phí.
Tiến sĩ Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, đề xuất thêm hình thức thu phí qua dịch vụ ngân hàng nhưng lo ngại số tiền thu không lớn (chỉ 30.000 đồng/ thí sinh) sẽ không nhận được sự hợp tác từ phía ngân hàng.
Trong khi đó, có ý tưởng khác biệt, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, cho rằng nên chăng miễn phí lệ phí cho thí sinh xét tuyển vào ĐH Quốc gia TP.HCM.
Về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, kết luận: “Với mức phí 30.000 đồng mỗi thí sinh thì với quy mô 100.000 thí sinh tổng lệ phí thu về khoảng 3 tỉ đồng. Số tiền này không phải quá lớn nhưng nếu không thu phí thì tỷ lệ thí sinh ảo có thể sẽ tăng mạnh. Vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục cân nhắc về đề xuất miễn thu lệ phí xét tuyển cho thí sinh”.
Ngày 15/10, Đại học Quốc gia TPHCM sẽ chính thức đề án vào ngày 15/10.
Nguồn Báo Thanh Niên