Kỳ thi THPT quốc gia 2015 bỏ phương án 3

Bộ trưởng bộ GD-ĐT sẽ công bố chính thức phương án cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 trong dịp khai giảng và 2 phương án được lựa chọn sẽ chỉ còn một trong hai phương án còn là 1 và 2 do phương án 3 cần có thời gian để triển khai.

Theo nguồn tin từ Bộ GD-ĐT, dù chọn phương án nào đi chăng nữa thì vẫn sẽ có những điều chỉnh để phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn so với các phương án được công bố ban đầu.

Thi tại địa phương và thi theo cụm

Để giảm tốn kém đi lại Hiện Bộ GD-ĐT có chủ trương thi tại địa phương và thi theo cụm. Theo đó, nếu học sinh nào không muốn vào ĐH thì sẽ thi tại địa phương,

Còn học sinh muốn vào ĐH phải tham gia thi cụm do các trường ĐH tổ chức (giống như kỳ thi tuyển sinh ĐH hiện nay).

Việc tổ chức coi thi và chấm thi bố trí thành các cụm thi coi thi, chấm thi quốc gia đặt tại địa phương do các trường ĐH, CĐ chủ trì.

Thay đổi xu hướng ra đề qua các năm theo hướng tăng dần câu hỏi vận dụng

Đề thi gồm câu hỏi bốn trình độ tư duy: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao để vừa có phần cơ bản đáp ứng cho hầu hết thí sinh, vừa có phần nâng cao đánh giá phân hóa năng lực học sinh. Qua các năm sẽ tăng dần số câu hỏi ở mức độ vận dụng, vận dụng cao phù hợp với chất lượng giáo dục…

Về thi môn Ngoài ngữ:

Về môn ngoại ngữ, những học sinh không được học hoặc trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì không bắt buộc thi môn ngoại ngữ, chỉ phải thi các môn tương ứng mỗi phương án. Hiện nay bộ đang tích cực chuẩn bị cho việc đổi mới thi ngoại ngữ theo hướng đánh giá năng lực người học dựa trên bốn kỹ năng.

Các trường xu hướng sử dụng thêm kết quả học THPT kết hợp với kết quả thi quốc gia:

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng trường  ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm qua đợt tuyển sinh riêng của nhà trường vừa qua. Đối với bốn ngành tuyển sinh riêng, điểm xét tuyển theo học bạ ba môn toán, lý, hóa hoặc toán, lý, tiếng Anh có ba ngành lấy 27 điểm. Sau khi thí sinh trúng tuyển, nhà trường có liên lạc với thí sinh thì được biết hầu hết các em này đều thi đậu ĐH.

“Chúng ta hiện không tin các trường THPT nhưng thực tế kết quả học tập trong học bạ phần nào phản ánh được năng lực học sinh. Năm tới đây, dự kiến ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM sẽ tuyển thẳng những học sinh trường chuyên có kết quả học tập 7 điểm trở lên, em nào có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng khỏi cần thi môn ngoại ngữ” - ông Dũng cho biết.

Về đề thi, TS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng quản lý đào tạo trường ĐH kinh tế TP.HCM cho biết nhà trường hướng về trắc nghiệm khách quan. Theo ông Hoàng lượng thí sinh thi ĐH rất lớn, với phương pháp thi trắc nghiệm khách quan sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, nhà trường có thể công bố kết quả thi sớm để thí sinh nếu không trúng tuyển có thể chọn thi vào trường khác.

Ông Hoàng nói: “Chúng tôi mong muốn kết hợp với các trường ĐH lớn để tuyển sinh theo yêu cầu của từng trường. Nếu trong trường hợp bộ vẫn tổ chức kỳ thi chung các trường ĐH sẽ tham gia cụm thi. Còn nếu bộ phân cấp mạnh hơn nữa, theo tôi các nhóm trường liên quan với nhau có yêu cầu đầu vào tương tự thì nên kết hợp với nhau. Đặc biệt trong khâu ra đề chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với ĐH Quốc gia TP.HCM”.

TS Trần Phú Vinh, phó trưởng phòng đào tạo trường ĐH Luật TP.HCM cũng cho biết theo đề án tuyển sinh trường này vừa xây dựng, dự kiến nhà trường sẽ thực hiện sơ tuyển theo kết quả học bạ THPT điểm trung bình của ba môn tham gia kỳ thi chung, trong đó có môn toán, sử và ngoại ngữ tính hệ số hai.

Ví dụ qua sơ tuyển học sinh phải đạt 26 điểm mới được dự tuyển vào trường ĐH Luật TP.HCM. Sau khi có kết quả kỳ thi quốc gia, thí sinh phải nộp kết quả đó vào trường ĐH Luật TP.HCM để tham gia xét tuyển. Nhà trường lấy tỷ lệ 30% kết quả sơ tuyển và 70% kết quả kỳ thi quốc gia.

“Theo tính toán nhà trường chỉ sơ tuyển 4.000 hồ sơ và sau khi có kết quả kỳ thi quốc gia chọn lại còn 1.500 thí sinh đúng theo chỉ tiêu của bộ giao” - ông Vinh chia sẻ.

 3 phương án thi của Bộ GD-ĐT

- Phương án 1: Thi theo môn gồm: toán, ngữ văn, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý và ngoại ngữ. Có 8 buổi thi trong 4 ngày, mỗi buổi thi 1 môn.

- Phương án 2: Thi theo bài. Có 5 bài thi gồm: toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (gồm vật lý, hóa học, sinh học), khoa học xã hội (gồm lịch sử, địa lý). Có 5 buổi thi trong 2 ngày rưỡi, mỗi buổi thi 1 bài thi. Mỗi thí sinh phải thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ; 1 bài thi do học sinh tự chọn từ khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.

- Phương án 3: Thi theo bài: Có 4 bài thi gồm: toán - tin (gồm các môn toán và tin học), khoa học tự nhiên (gồm vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ), khoa học xã hội (gồm ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân), ngoại ngữ. Có 4 buổi thi trong 2 ngày, mỗi buổi thi 1 bài thi.

(Tuyensinh247.com tổng hợp)

 

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.

32 bình luận: Kỳ thi THPT quốc gia 2015 bỏ phương án 3

  •  
Điểm chuẩn tất cả các trường ĐH