19/09/2013 11:56 am
Có rất nhiều hình ảnh mà người Mỹ sẽ nhớ về cuộc chiến tranh này. Đó là một quá khứ đau thương của dân tộc Việt Nam và đầy ê chề của người Mỹ. Nhưng nhìn sang một lĩnh vực khác - nhiếp ảnh, người ta sẽ nhận thấy rằng chính từ cuộc chiến này, nước Mỹ đã có một thế hệ nhiếp ảnh gia chiến trường nổi danh thế giới. Đó là những Malcolm Browne, Eddie Adams hay Nick Ut... Họ là những tượng đài lớn trong giới nhiếp ảnh báo chí, đặc biệt là nhiếp ảnh chiến trường. Sắp tới đây, những tác phẩm ảnh xuất sắc của họ sẽ được tập trung lại để xuất bản trong một cuốn sách ảnh đáng chú ý mang tên “Vietnam: The Real War” (Việt Nam - một cuộc chiến thực sự) do hãng tin AP xuất bản. Lần đầu tiên AP quyết định lục lại từ hơn 25.000 bức ảnh được chụp tại Việt Nam để chọn ra 250 bức ấn tượng nhất, thực hiện cuốn sách ảnh kinh điển, dự kiến sẽ xuất bản vào ngày 1/10 tới đây. Bên cạnh những bức ảnh đã trở thành kinh điển trong dòng nhiếp ảnh chiến trường, AP sẽ lựa chọn những bức hầu như chưa từng được biết tới để người Mỹ có được một cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về cuộc chiến lịch sử này. Một điều đặc biệt là bức ảnh được AP chọn làm hình bìa không phải là một bức ảnh nổi tiếng, bức hình này được chụp bởi nhiếp ảnh gia Art Greenspon. Trong ảnh có hình những lính nhảy dù Mỹ bị thương, đang ẩn náu trong một khu rừng gần Huế hồi tháng 4/1968. Nhân vật trung tâm của bức ảnh là một người lính đang giơ tay ra hiệu, hướng dẫn một chiếc trực thăng hạ cánh. Đôi tay của người lính được chụp trong một khoảnh khắc như thể đang giơ lên cầu nguyện Thượng đế, một bức ảnh đầy ẩn ý thể hiện sự tuyệt vọng của lính Mỹ khi càng lúc càng lún sâu trong vũng lầy chiến tranh tại Việt Nam. Có thể nói cuộc chiến tranh Việt Nam đã làm thay đổi tư duy trong nhiếp ảnh báo chí. Đây là cuộc chiến đầu tiên mà các phóng viên chiến trường được cử đi theo quân đội chụp hình mà không hề bị kiểm duyệt về những gì đã chụp và sẽ đem sử dụng trên mặt báo. Điều này đã làm nổi bật tính trung thực và trung lập của báo chí hiện đại. Ông Richard Pyle, trưởng văn phòng đại diện của AP tại Việt Nam từ năm 1970-1973 cho rằng: “Việt Nam chính là nơi mà nhiếp ảnh báo chí thực sự phát huy vai trò đích thực của mình”.
Một bức ảnh có giá trị hơn mọi câu chữ và thực tế nó dễ đi sâu vào ký ức hơn các đoạn băng hình. Nó là một lát cắt đóng băng một khoảnh khắc, có thể sẽ ghim chặt vào lòng người xem mãi mãi. Nhiều chuyên gia báo chí hiện nay cho rằng sẽ không bao giờ còn được thấy lại cái thời mà phóng viên được đi theo quân đội và tự do chụp ảnh, đưa tin như trước. Những gì mà một thế hệ phóng viên Mỹ từng thực hiện tại Việt Nam chính là thời hoàng kim của dòng nhiếp ảnh chiến trường. “Nếu người Mỹ biết nhiều hơn về cuộc chiến tranh chống Pháp mà người Việt Nam đã tiến hành cũng như biết nhiều hơn về việc quân Pháp đã bế tắc thế nào trong những nỗ lực vô vọng nhằm duy trì chế độ thuộc địa tại Việt Nam, có lẽ người Mỹ đã không phạm phải sai lầm lớn trong lịch sử - đưa quân sang tham chiến tại Việt Nam”, phóng viên Seymour, người đầu tiên được AP cử sang Việt Nam khẳng định. Trong cuốn sách “Vietnam: The Real War”, AP còn tiết lộ nhiều câu chuyện chưa từng công bố. Ví dụ, khi nhiếp ảnh gia Malcolm Browne gửi bức ảnh hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu trên phố về cho tòa soạn, ông đã gửi kèm một bức điện viết rằng: “Mỹ sẽ không bao giờ có thể đảo ngược tình thế ở Việt Nam”, đồng thời so sánh những nỗ lực cứu vãn tình thế của Mỹ giống như “để những đứa con nít bước vào chuồng hổ nhưng lại cố tin rằng chúng sẽ kiểm soát được con hổ”. Câu chuyện về bức ảnh em bé bỏng bom napan của Nick Ut cũng... "truân chuyên". Được biết khi ông gửi bức ảnh về cho tòa soạn, ban đầu bức ảnh không được duyệt nhưng chính nhiếp ảnh gia Horst Faas đã cố gắng thuyết phục sử dụng nó và sau này bức ảnh đã giành được giải Pulitzer. Bích Ngọc (DT) Theo New York Times
Cùng like Bí mật 12 cung hoàng đạo trên Facebook
NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247! Nếu em đang:
Tuyensinh247 giúp em:
Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY |