05/09/2013 14:11 pm
Để có được tấm vé vào cổng trường đại học các sĩ tử đã phải nỗ lực miệt mài. Nhưng không chỉ những bài học chuyên môn và kì thi tưởng như “bất tận”, đại học có rất nhiều điều thú vị chờ các tân SV khám phá. Những chia sẻ của các bạn sinh viên sẽ là bí quyết giúp các “tân binh” bớt bỡ ngỡ với môi trường mới này. Hoạt động tình nguyện Hình ảnh các tình nguyện viên có lẽ đã quen thuộc với các bạn tân sinh viên, ngay từ những buổi đầu đi thi đại học, hay đi nhập học những bóng dáng áo xanh luôn xuất hiện tận tình hướng dẫn các em mới vào trường. Rất dễ bắt gặp một sinh viên tình nguyện đang phân làn giao thông, dạy chữ cho các bé lang thang cơ nhỡ hay đang cấy ruộng cho bà con ở một vùng quê nghèo. Tình nguyện là một hoạt động thú vị gắn liền với tuổi trẻ và thời sinh viên.
Bạn Đào Duy Tùng, SV ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ: "Tham gia hoạt động tình nguyện là một cách để mình không lãng phí khoảng thời gian rảnh của mình. Thay vì vui chơi vô bổ, mình dành những khoảng thời gian đó để hoạt động, vui vẻ bên cạnh bên bạn bè và đồng đội mình. Với hoạt động tình nguyện, mình cảm thấy mình có ích cho xã hội và được rèn giũa tinh thần kỉ luật, trách nhiệm và trải nghiệm những điều quý báu trong cuộc sống". Tùng kể, hè 2013 tham gia chiến dịch mùa hè xanh, dù phải đi bộ gần chục cây số mới về tới làng, vất vả cùng bà con cấy lúa, làm vườn. Nửa đêm ngày thứ 7 ở làng, Tùng đang ngồi trò chuyện với bạn thì thấy đằng xa có ánh lửa to. Biết có chuyện, cả nhóm vào trong làng gọi thêm một số người nữa, vội vàng chạy qua. “Chạy gần đến nơi mới nhớ ra là chạy vội quá, chả đem theo gì ngoài tay không, thế là lại chạy về lấy xô xẻng dập lửa. Hoá ra là cháy kho nông cụ. Thật là một kỉ niệm đáng nhớ, cũng từ sau đó, mình biết cách dập lửa một đám cháy phải làm như thế nào”, Tùng nói.
Hoạt động ngoại khóa Mỗi trường đại học có khá nhiều CLB, tổ đội, hàng năm tổ chức hoạt động ngoại khóa cho sinh viên. Hình thức, nội dung của các hoạt động này cũng vô cùng đa dạng: văn nghệ, cuộc thi, trình diễn, thảo luận, làm từ thiện và được tổ chức ở các cấp khác nhau, từ các chương trình của toàn trường, khoa, câu lạc bộ hay từng lớp.
"Kinh nghiệm tổ chức một chương trình SV bao phủ đủ mọi mặt của cuộc sống và công việc sau này như: tổ chức, quản lý, truyền thông, tài chính, làm việc nhóm... Hơn nữa, đây không chỉ là công việc, mà làm chương trình còn đem lại những người bạn thật sự, người đồng chí mà các bạn rồi sẽ thấy đây như là gia đình thứ hai của mình", bạn Lê Thế Vinh, SV năm thứ 2 chia sẻ. Vinh cho biết: "Năm 2012, mình tham gia tổ chức một cuộc thi nhảy hiphop dành cho SV, chương trình khá quy mô. Mọi khâu đều được lên kế hoạch và hoàn thiện đúng thời hạn và địa điểm chốt lại là kí túc xá trường. Vậy mà đùng một cái, ban quản lí KTX báo là không thể tổ chức được vì hôm đó nhà trường tổ chức sự kiện khác tại đây. Chúng mình rất hoang mang. Thiệt hại về vật chất không kể, nhưng mất uy tín và phải giải thích rất nhiều với khán giả. Chưa kể đến việc tìm một địa điểm khác thay thế cũng không dễ dàng, nhất là đối với sinh viên làm việc phi lợi nhuận như bọn mình. Sau lần đó, mình nhận ra được nhiều điều và trân trọng bạn bè hơn, vì cả đội luôn ở bên nhau lúc khó khăn nhất". Làm thêm, part-time Khi nhắc đến việc đi làm thêm, nhiều người nghĩ rằng chỉ những ai có hoàn cảnh khó khăn mới phải đi làm kiếm tiền để trang trải cho cuộc sống, học tập. Tuy nhiên suy nghĩ đó có phần sai lầm, vì ngày càng nhiều bạn tự kiếm việc làm chỉ với mục đích mang lại những lợi ích phi vật chất cho bản thân. "Vài bạn hỏi mình là tại sao đi làm mà thu nhập chẳng được bao nhiêu, mình chỉ biết cười trừ vì giải thích rất dài, có khi lại cũng chỉ nhận được cái lắc". Hoàng Trung Kiên, SV năm thứ 3 chia sẻ.
Kiên hiện đang theo học ngành kinh tế nhưng lại đam mê truyền thông – marketing. Từ những kiến thức tự học hỏi, cậu bạn xin vào làm ở bộ phận marketing của một công ty sản xuất đồng phục và thời trang. "Mình nhận lương theo dự án, với mỗi dự án thành công thì mình nhận được một phần tiền từ lợi nhuận của dự án, kể ra cũng không đáng là bao. Tuy nhiên đây là công việc mình thích, môi trường làm việc tốt để học hỏi kinh nghiệm. Và quan trọng nhất là ở đây, mình có thể thử nghiệm những ý tưởng mới miễn là nó có hiệu quả. Còn gì tuyệt hơn thế chứ", Kiên nói. Kỹ năng sống tự lập Bước vào cánh cổng đại học cũng là lúc nhiều bạn trẻ tự lập cuộc sống, chưa phải là về mặt tài chính nhưng phải tự lo cho bản thân. Không còn có cha mẹ kề bên nhắc nhở, không còn bài tập về nhà hàng ngày, thích ngủ đến mấy giờ thì ngủ, thích đi chơi lúc nào thì đi… vô số viễn cảnh khiến nhiều bạn học sinh cấp 3 tưởng tượng rằng cuộc sống đại học là thiên đường. Nhưng, thực tế thường không như mơ. "Mỳ tôm đại dương, cơm bốn-nghìn-chín… là những món mà bạn bắt buộc phải nhớ trong đời sinh viên". Quốc Minh, sinh viên năm cuối ĐH Thương mại chia sẻ. Mỳ tôm đại dương là mỳ tôm được nấu bằng… chậu, cả phòng đun đầy ấm nước sôi đổ vào chậu và úp mỳ trong đó, còn cơm bốn-nghìn-chín là loại cơm được bán trong siêu thị, giá 4.900đ chỉ có cơm và rau.
"Nếu không muốn phải chịu kiếp “lên voi xuống chó” thì bạn phải có cách phân phối tiền hợp lí, chia ra số tiền từng ngày có thể tiêu, ghi nhớ các khoản chi… Như mình khi mới nhận được tiền bố mẹ cho, đem gửi một người bạn đáng tin, đến lúc gần hết tiền thì lấy từ đó, không dư dả nhưng cũng không lo đói", Minh hỉ hả bật mí. Ngoài chuyện ăn uống, tiền nong thì có vô số khó khăn khác đang chờ bạn, vì đơn giản cuộc sống đại học tự lập khác hoàn toàn so với trước đây. "Kỳ đầu đi học, mình rất ít khi kịp ăn buổi sáng, trường mình cách nhà bốn cây, đi xe đạp mất 15 phút, nếu như ở nhà, mẹ ép đi ngủ sớm, sáng gọi dậy và xuống nhà đã có sẵn bữa ăn sáng, thì ở đây do thức muộn nên sáng ngủ dậy muộn, chả kịp mua hay nấu đồ ăn sáng gì hết, cứ thế nhịn đói lên trường. Lúc mới đi học thì háo hức, thời gian sau bắt đầu mới thấy nhớ nhà, nhớ bố mẹ, những lúc ốm đau hay gặp khó khăn chỉ có một mình. Ôi những lúc như thế thấy tủi thân mà nhớ nhà, nhớ mẹ kinh khủng khiếp, chỉ muốn về ngay với mẹ mà thôi". Theo Hoàng Danh – Mai Châm (DT) |