Đen sạm sau chuyến đi chơi khắp các bãi biển ở Thanh Hóa, Ánh vui vẻ cho biết, đó là phần thưởng bố mẹ dành cho tân thủ khoa Học viện Báo chí, cũng là dịp xả hơi hiếm hoi sau kỳ thi đại học.
Khi nói chuyện, Ánh khoe má lúm đồng tiền và răng khểnh dễ mến. Không chỉ là tân thủ khoa trường báo, cô còn khiến nhiều người thán phục bởi trước đó từng giành giải ba kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia môn Lịch sử, thủ khoa tốt nghiệp 2012 của tỉnh Thanh Hóa với 58 điểm (6 môn).
Được tuyển thẳng vào những trường có ngành liên quan đến Lịch sử, tuy nhiên Ánh lại có ước mơ trở thành nhà báo. Cô gửi hồ sơ đăng ký dự thi vào Học viện Báo chí Tuyên truyền và giành luôn ngôi vị quán quân khối C với số điểm 25 (Văn 8, Sử 9,5, Địa 7,5).
|
Tân thủ khoa Học viện Báo chí và Tuyên truyền Bùi Ngọc Ánh (bên phải). |
"Khi được cô giáo chủ nhiệm gọi điện báo điểm thi, em vui mừng nhưng chưa tin ngay, vội nhờ bạn và anh họ lên mạng xem điểm. Để chắc chắn hơn, em còn gọi điện đến tổng đài để nghe kết quả", Ánh kể và cho hay, sau đó đã chạy ra xưởng mộc thông báo tin vui cho bố.
Học chuyên Sử tại THPT Lam Sơn (Thanh Hóa), Ánh vẫn bất ngờ với 9,5 điểm trong kì thi đại học. Tân thủ khoa nhớ lại, lúc nhận được đề thi, em khá run khi mọi người bắt đầu viết, nhưng rồi cũng phóng bút viết khi lấy lại được tinh thần. Cô cũng vừa kịp soát lại bài khi trống báo hết giờ.
Trước kỳ thi đại học, Ánh dành toàn bộ thời gian học đội tuyển để đi thi học sinh giỏi Sử quốc gia. Sau đó là ôn thi tốt nghiệp, em gần như không có thời gian để ôn Địa lý. Vậy nên môn này chỉ dành điểm số khiêm tốn 7,5.
Tân thủ khoa chia sẻ, học khối C không đơn giản là học thuộc lòng như nhiều bạn vẫn lầm tưởng, nhất là môn Lịch sử. Theo cô, học các môn xã hội cũng cần sự tư duy và hiểu sâu sắc vấn đề như các môn tự nhiên.
"Em thường học theo sơ đồ tư duy, chọn kiến thức cơ bản nhất để học, rồi xâu chuỗi lại thành hệ thống, đọc thêm sách về lịch sử, văn hóa để hoàn thiện dần kiến thức", Ánh nói và mơ ước, sau này có thể tự tổ chức một gameshow truyền hình để mọi người cùng chơi, cùng học lịch sử theo cách dễ thuộc, dễ nhớ nhất.
|
Bùi Ngọc Ánh (thứ hai, từ trái sang) cùng cô giáo chủ nhiệm và đội tuyển Sử của THPT chuyên Lam Sơn. |
Ánh lớn lên nơi xóm nghèo của xã Đồng Thắng (Triệu Sơn, Thanh Hóa), bố bị tai nạn lao động gần như không đi lại được và phải làm mộc tại nhà, mẹ em quanh năm làm bạn với việc đồng áng. Học xa nhà từ bé, Ánh rèn luyện cho mình sự tự lập, bản lĩnh để bố mẹ không phải lo lắng.
Ánh kể, hồi nhỏ mỗi khi xem tivi, em thích mê những MC tự tin, năng động trong các chương trình truyền hình, đặc biệt là nhà báo Lại Văn Sâm. Ước mơ trở thành nhà báo ngấm dần vào em từ đó.
Để hiện thực hóa mơ ước, Ánh tích cực làm "đạo diễn", viết kịch bản, trở thành MC cho các chương trình ngoại khóa của trường THPT Lam Sơn. Cái tên Bùi Ngọc Ánh còn thường xuyên xuất hiện trên các trang báo tường.
Biết cô con gái muốn trở thành nhà báo, bố Ánh hết sức ủng hộ, ông muốn con gái được đi đến nhiều nơi, mở rộng hiểu biết bằng chính đôi chân của mình, điều mà ông không làm được sau tai nạn lao động. Nhưng mẹ thì phản đối vì sợ "con gái học báo vất vả". Chiều lòng mẹ, Ánh làm một bộ hồ sơ thi vào khoa Luật kinh tế, ĐH Luật Hà Nội.
"Nhưng đến kỳ thi đại học, em vẫn quyết định thi Học viện Báo chí vì đó là ước mơ từ nhỏ. Với em, danh hiệu thủ khoa mới chỉ là điểm bắt đầu cho cả con đường dài phía trước. Em tin mình sẽ học tốt, bởi không buông mục tiêu thì không bao giờ thất bại", cô thủ khoa chia sẻ.
Theo VnExpress