27/03/2016 16:07 pm
Thầy Kỷ hiện là Tổ trưởng tổ Lịch sử, Trường THPT Trần Phú (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Hiện thầy là giáo viên dạy giỏi và có nhiều năm tham gia hướng dẫn ôn tập cho học sinh lớp 12. (Ảnh minh họa/internet)
6 bước học tập hợp lý Theo thầy Kỷ, để học tốt môn Lịch sử và đạt kết quả cao trong kì thi THPT quốc gia sắp tới các em phải có kế hoạch ôn tập hợp lý, khoa học. Thứ nhất: Phải có xác định đúng động cơ và mục tiêu học tập tích cực. Thứ hai: Là phải nắm chắc kiến thức cơ bản của chương trình (chủ yếu là Lịch sử lớp 12). Để nắm chắc kiến thức, thì phải đọc nhiều, đọc kĩ. Thứ ba: Trên cơ sở nắm chắc kiến thức cơ bản, rồi hiểu rõ nội dung trọng tâm, nội dung quan trọng của từng giai đoạn lịch sử, học sinh phải biết xâu chuỗi các sự kiện đó lại thành một hệ thống các sự kiện thể hiện bản chất của một thời kỳ hoặc một giai đoạn lịch sử với những nét nổi bật của nó, mối quan hệ giữa chúng... Có như thế kiến thức của bạn mới xuyên suốt và không bị nhầm lẫn. ( không chỉ “thuộc sử” mà phải “hiểu sử”. Thứ tư: Sau khi học chắc, nắm chắc, hiểu chắc kiến thức cơ bản, trọng tâm rồi thì các em cần luyện tập làm bài viết (Bằng việc làm các bài tập do thầy cô giáo yêu cầu, hoặc làm các đề thi các năm gần đây của Bộ GD&ĐT, hoặc trong sách tham khảo...) Thứ năm: Phải tích lũy kiến thức thực tế, tình hình thời sự trong nước và quốc tế để giải quyết câu hỏi vận dụng cao. Thứ sáu: Phải có tâm ý tốt, trong khi học đừng nên tạo cho mình quá nhiều áp lực, thường thì khi thấy quá nhiều sự kiện và thời gian thì các bạn cảm thấy nản và không muốn học, càng như vậy bạn sẽ học không tốt bộ môn này. Hãy tạo cho mình tâm lý thoải mái khi học, học không chỉ để thi mà còn để biết, để trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về lịch sử xã hội. 3 nội dung cần nắm chắc Với xu hướng ra đề thi khá “mở” như kì thi THPT quốc gia năm 2015, thì để đạt điểm cao các thí sinh cần nắm chắc các nội dung sau: Một là, nắm chắc kiến thức cơ bản của chương trình lịch sử lớp 12 (phần Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam) theo sách giáo khoa hiện hành của Nhà xuất bản Giáo dục. Hai là, hiểu rõ được các nội dung trọng tâm của từng giai đoạn lịch sử, các vấn đề lớn của lịch sử dân tộc và thế giới. Có thể phân tích, khái quát, so sánh, liên hệ, lí giải ... các nội dung đó, các vấn đề đó. Ba là, các câu hỏi của đề thi hiện nay không đơn thuần chỉ kiểm tra mức độ Nhớ (tái hiện kiến thức) mà đều mang tính tổng hợp, vận dụng thậm chí là ứng dụng thực tiễn khá nhiều (Vận dụng cao). Để làm được các câu hỏi này, thí sinh không chỉ phải nắm kiến thức nền tảng trong SGK phổ thông mà cần biết liên hệ và móc nối các kiến thức rời rạc thành một vấn đề lớn thậm chí là phải có sự hiểu biết về tình hình thời sự đang diễn ra để giải quyết vấn đề mà đề thi yêu cầu. ( ví dụ: Vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, vấn đề Biển Đông...). Theo Thethaohangngay |