07/04/2016 10:54 am
Cấu trúc, yêu cầu đề thi Về cấu trúc đề thi: Đề thi gồm hai phần Đọc hiểu và Làm văn. Phần Đọc hiểu (3,0 điểm) có hai đoạn văn bản, thường là một đoạn thơ và một đoạn văn xuôi (có trong SGK hoặc ngoài SGK). Phần Làm văn có Nghị luận xã hội (3,0 điểm) và Nghị luận văn học (4,0 điểm). Về yêu cầu của đề thi: Đánh giá được năng lực ngữ văn của học sinh, phân hóa được trình độ học sinh để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng theo các mức độ cao thấp khác nhau. Yêu cầu đánh giá năng lực ngữ văn của học sinh cụ thể gồm: Năng lực tiếp nhận văn bản (chú trọng năng lực đọc hiểu văn bản) - Năng lực đọc hiểu nhiều kiểu loại văn bản khác nhau, theo các mức độ: Hiểu đúng văn bản, thấy được cái hay của văn bản, thấy được cái đẹp (giá trị thẩm mĩ) của văn bản (đối với văn bản văn học). Năng lực viết văn bản: Tổ chức văn bản, triển khai nội dung, trình bày theo đúng phong cách ngôn ngữ… Chú ý năng lực viết văn bản nghị luận về những vấn đề trong đời sống, xã hội, về tác phẩm văn chương…; chú ý năng lực giải quyết vấn đề. Về yêu cầu phân hóa trình độ học sinh: Đề ra theo theo hướng mở để học sinh có thể phát huy vốn kiết thức, năng lực sáng tạo, cá tính sắc sảo… Văn bản đọc hiểu có trong SGK hay ngoài SGK, trên cơ sở tri thức cơ bản, nền tảng của yêu cầu đọc hiểu. Nghị luận xã hội, tích hợp các kiến thức về lịch sử, địa lí, văn hóa, xã hội… Nghị luận văn học, kiến thức trọng tâm ở các tác phẩm văn học nằm trong nội dung thi kết hợp với yêu cầu thể hiện năng lực sáng tạo của học sinh (phân tích sâu, mở rộng liên hệ so sánh, năng lực tổng hợp…) Để có thể phân hóa trình độ học sinh, phần Đọc hiểu có nhiều câu hỏi theo các mức độ khác nhau: Nhận biết (biết) - Thông hiểu (hiểu) - Vận dụng thấp - Vận dụng cao. Phần Làm văn, với Nghị luận xã hội, việc phân hóa trình độ học sinh căn cứ vào năng lực phân tích vấn đề, vận dụng vào thực tiễn, nhận thức và hành động của bản thân. Với Nghị luận văn học, phân hóa theo trình độ nắm tri thức về những vấn đề văn học, năng lực phân tích, tổng hợp, năng lực cảm thụ văn chương, năng lực diễn đạt. Để nắm được cấu trúc, yêu cầu của đề thi, học sinh tham khảo Đề thi chính thức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, môn Ngữ văn của Bộ GD&ĐT. Kiến thức, phương pháp phần Đọc hiểu Liên quan đến nội kiến thức và phương pháp, thí sinh cần phải thấu suốt quan điểm và nhận thức đúng thực tế: Không có phương pháp, năng lực tự nhiên, tự thân. Phương pháp, năng lực chỉ có thể hình thành trên cơ sở kiến thức. Không có sự tách rời, đối lập giữa kiến thức và năng lực. Vả lại, là môn học trong nhà trường phổ thông, môn Văn cũng như các môn học khác, có những yêu cầu về kiến thức cần phải nắm vững. Vì vậy, học sinh cần phải học và ôn những kiến thức trọng tâm, từ đó hình thành phương pháp, phát triển năng lực. Kiến thức ở phần Đọc hiểu không những giúp chúng ta làm tốt phần Đọc hiểu mà còn làm tốt cả phần Làm văn, bởi lẽ khi phân tích văn học, nhiều khi phải vận dụng kiến thức đọc hiểu văn bản. Học sinh cần nắm và vận dụng kiến thức như sau: Thứ nhất là Các thể thơ: Thơ Đường luật, thơ lục bát, thơ song thất lục bát, thơ tự do, một số thể thơ khác (thơ năm chữ - mỗi câu thơ năm chữ, thơ bảy chữ - mỗi câu thơ bảy chữ, thơ tám chữ - mỗi câu thơ tám chữ, các câu thơ nối tiếp nhau hoặc bốn câu thơ làm thành một khổ thơ). Với các thể thơ, cần nắm và vận dụng theo các mức độ: Đặc điểm cơ bản của thể thơ, nhận biết văn bản được viết theo thể thơ nào, tác dụng của thể thơ đó trong văn bản đọc hiểu. Thứ hai là các biện pháp tu từ: Biện pháp nghệ thuật tu từ bao gồm cả tu từ từ vựng và tu từ cú pháp. Tu từ từ vựng gồm các biện pháp so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nhân cách hóa, điệp từ, điệp ngữ, đối tương đồng, đối tương phản. Tu từ cú pháp bao gồm câu hỏi tu từ, đảo trật tự cú pháp (đảo ngữ), liệt kê, câu đặc biệt, điệp cấu trúc câu... Với các biện pháp nghệ thuật tu từ, cần nắm và vận dụng theo các mức độ: Đặc điểm của từng biện pháp nghệ thuật tu từ, nhận biết các biện pháp nghệ thuật tu từ trong văn bản, tác dụng của các biện pháp tu từ, nhất là giá trị nghệ thuật của biện pháp tu từ trong văn cảnh của văn bản. Thứ ba là các kiểu văn bản và các phương thức biểu đạt, gồm: Văn bản miêu tả, văn bản tự sự, văn bản biểu cảm, văn bản thông báo, văn bản thuyết minh, văn bản nghị luận. Học sinh cần nắm và vận dụng theo các mức độ: Đặc điểm phương thức biểu đạt của kiểu văn bản, nhận biết văn bản đọc hiểu được viết theo kiểu văn bản và phương thức biểu đạt nào, tác dụng của kiểu văn bản và phương thức biểu đạt đó ở văn bản đọc hiểu. Thứ tư là các phong cách ngôn ngữ: Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, phong cách ngôn ngữ hành chính, phong cách ngôn ngữ khoa học, phong cách ngôn ngữ báo chí, phong cách ngôn ngữ chính luận, phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. Học sinh cũng cần nắm và vận dụng theo các mức độ: Đặc điểm của từng phong cách ngôn ngữ, nhận biết phong cách ngôn ngữ của văn bản đọc hiểu, tác dụng của phong cách ngôn ngữ đối với kiểu văn bản đọc hiểu. Đọc hiểu văn bản vừa phải nhận diện đúng các biện pháp nghệ thuật, các yếu tố nghệ thuật, vừa phải thấy được tác dụng của các biện pháp, các yếu tố nghệ thuật đó. Từ các yếu tố cụ thể, cần khái quát tổng hợp, cảm nhận chung về văn bản đọc hiểu. Phương pháp làm văn thi THPT Quốc gia năm 2016 sẽ được hướng dẫn sau, các em lưu lại link này để tiếp tục học tập theo phương pháp của GS.TS Lã Nhâm Thìn - Nguyên Trưởng khoa Ngữ văn (Trường ĐHSP Hà Nội). Theo Thethaohangngay |
>> Để làm tốt phần đọc hiểu bài thi môn Ngữ văn
>> Phương pháp làm văn nghị luận thi THPT Quốc gia