30/06/2012 11:06 am
Hệ thống lại kiến thức đã ôn Theo Thái Hoàng, đây là thời điểm mà thí sinh (TS) nên khái quát lại tất cả những gì mình đã “thu gom” được trong quá trình ôn. Vì ôn thi ĐH là một quá trình dài tích lũy, đào sâu kiến thức, đòi hỏi sự nỗ lực cá nhân và phương pháp ôn thích hợp nên nếu không hệ thống lại thì rất dễ để “rơi vãi thành quả”, ảnh hưởng tới kết quả thi.
“Vẫn có thể phân theo chủ đề ôn cho mỗi môn như: môn Toán phân thành các chủ đề về Lượng giác, Hàm số, Tổ hợp, Đẳng thức và Bất đẳng thức…; môn Vật lý phân chủ đề theo các chương của SGK như Giao động cơ học, Giao động điện từ, Ánh sáng…; môn Lịch sử phân chủ đề theo giai đoạn lịch sử, nội dung các sự kiện lớn, hoàn cảnh, diễn biến, ý nghĩa của các phong trào cách mạng…; môn Văn ôn theo tác giả, nghị luận xã hội, nghị luận văn học, lưu ý sự kiện quan trọng đang diễn ra trong xã hội…; môn Hóa thì theo hóa học hữu cơ, hóa học vô cơ…; môn Anh văn theo các phần của dạng đề thi những năm trước” - Thái Hoàng chia sẻ. Chung quan điểm, Ngọc Tĩnh cho rằng hầu hết đề thi ĐH những năm trước đều nằm trong chương trình THPT. Lượng kiến thức này khá “đồ sộ”, cần một quá trình ôn lâu dài, thường xuyên mới có thể hiểu được trọn vẹn. Vì thế, trong thời gian ngắn này, TS thi khối các môn tự nhiên như A, A1, B… chỉ nên dành thời gian xem lại các công thức, định lý, phương pháp giải các dạng bài tập quan trọng đã được giáo viên chỉ trên lớp, không nên lãng phí thời gian vào việc tìm “đề thi lạ” để giải. Với TS thi khối các môn xã hội, không nên “bói đề, học tủ” mà cần xem lại cách trình bày ý làm sáng tỏ nội dung chính khi làm bài thi, tham khảo cách “chẻ ý tính điểm” trong đáp án của Bộ GD&ĐT trong đề thi ĐH những năm trước. Tài liệu ôn tốt nhất là SGK “Không còn thời gian để đọc các loại sách tham khảo lan man, vì không chắc những cuốn sách đó có nhiều kiến thức phục vụ cho việc thi ĐH. Đa phần kiến thức trong đề thi ĐH, CĐ đều nằm trong SGK. Bởi vậy, bám sát SGK để ôn là phương pháp hiệu quả nhất… SGK là tài liệu chính thống, đề thi, đáp án cũng dựa vào đây mà ra nên em nghĩ những TS nào học kỹ kiến thức đó sẽ có điểm cao” - Thái Hoàng nhận định. Ngọc Tĩnh chia sẻ: “Mình cũng hay đọc sách tham khảo, nhất là những cuốn sách phục vụ ôn thi ĐH khối A và D. Mỗi khi đọc em thường để ý các dữ kiện quan trọng có trong những cuốn sách này để so sánh với những dữ kiện trong SGK. Nếu có sự khác nhau về nội dung giữa hai loại sách này thì em luôn lấy dữ liệu trong SGK làm chuẩn. Theo em thì chỉ cần học thật kỹ SGK kết hợp với những kiến thức thầy, cô dạy trên lớp là đã có cơ hội cao để đậu ĐH… Điều này có thể chứng minh bằng việc nhiều năm nay nội dung đề thi ĐH yêu cầu có đến 70%-80% kiến thức nằm trong SGK”. Tự tin để chiến thắng Theo Ngọc Tĩnh và Thái Hoàng, tâm lý căng thẳng, hồi hộp sẽ khiến TS quên đi nhiều kiến thức đã tích lũy được. Khi tiếp xúc với đề thi mà quá hồi hộp thì không thể suy nghĩ, tìm cách giải quyết tốt nhất cho yêu cầu của đề bài. Trong những ngày này, nhiều TS còn gồng mình, thức thâu đêm để ôn. Điều này rất dễ làm TS kiệt sức khi vào phòng thi, không thể hoàn thành bài thi một cách tốt nhất. “Nên tạo cho mình tâm lý thật thoải mái để thi tốt. ĐH không phải là con đường duy nhất để thành công. Đừng quá quan trọng là phải đậu bằng được. Vì đôi khi chính ý nghĩ “đậu bằng mọi giá” sẽ là vật cản dẫn đến thực trạng dù đã cố hết sức cũng không thể nào đậu được… Thực tế chỉ 1/3 TS có cơ hội được bước vào ĐH mỗi năm. Bởi vậy, ai bản lĩnh, tự tin, có sự chuẩn bị tốt hơn người đó sẽ chiến thắng” - Thái Hoàng bộc bạch.
Theo Thethaohangngay
|
|||