Tư vấn ôn thi tốt nghiệp và đại học môn Địa năm 2013

Tư vấn ôn thi tốt nghiệp và đại học môn Địa năm 2013. Bí quyết làm bài thi môn địa đạt điểm cao? Các sử dụng Atlas? Cách học môn Địa hiệu quả?

* Em rất thích môn Địa nhưng không hiểu sao cứ học trước quên sau (những môn khác không bị như vậy). (Nguyễn Thị Bích Trà, 18 tuổi tuổi, trabt@...)

- Cô Vũ Thị Bắc: Khi đã yêu thích môn học nào thì em có thể học môn đó rất nhanh. Có thể do em chưa nắm cách học môn Địa lý thôi. Với môn này, em nên đi từ tổng thể đến chi tiết. Môn Địa lý đòi hỏi sự tổng hợp, có tính logic, không hoàn toàn là môn học bài. Trước tiên em cần có một bảng hệ thống lại nội dung SGK Địa lý 12. Em có thể tổng hợp bằng cách dùng sơ đồ tư duy, bằng sơ đồ hình cây hoặc bằng bất kì cách nào mà em thấy dễ nhớ nhất. Sau đó em mới đi vào chi tiết từng bài. Mỗi bài, em cũng có thể hệ thống lại xem có bao nhiêu nội dung chính, mỗi ý chính có bao nhiêu ý phụ, em có thể dùng bút màu tô đậm những phần quan trọng, những ý chính. Em hãy làm theo nguyên tắc từ tổng thể đến chi tiết, từ khái quát đến cụ thế. Áp dụng nguyên tắc này sẽ thấy việc học môn Địa lý nhẹ nhàng và “dễ thở” hơn. Chúc em thành công!

* Thưa cô Bắc, năm nay không có môn Sử, con rất mừng nhưng môn Địa cũng khiến con khá bối rối. Vì năm nay trường con cử giáo viên Địa mới, lại không có kinh nghiệm dạy lớp 12 vào dạy lớp con. Lớp con ai cũng mù mờ về cách xem Atlas và nhận biết khi nào thì vẽ biểu đồ nào... Thêm vào đó, con cũng không có khả năng học thuộc, trong khi tất cả các môn đều không có giới hạnh. Xin cô chỉ giúp con cách học ôn hiệu quả môn Địa. (Ôn Ngọc Hân, 18 tuổi, han-hs06034@...)

- Cô Vũ Thị Bắc: Chào em, cô nghĩ bây giờ vẫn còn kịp thời gian để ôn thi môn Địa lý. Cô có một vài cách học sau đây, em thử áp dụng xem sao nhé:

Đầu tiên, đối với cách sử dụng Atlat, em có thể theo các nguyên tắc sau đây:

  1. Nắm chắc các kí hiệu: em có thể dựa vào trang 3 Atlat phần kí hiệu chung để đọc các kí hiệu như khoáng sản, công nghiệp, nông nghiệp cho các bản đồ không có phần chú thích như bản đồ Khoáng sản trang 8, bản đồ Công nghiệp chung trang 21, các bản đồ Vùng kinh tế từ trang 26 đến trang 29.
  2. Nắm đươc các bản đồ cần sử dụng: em có thể dựa vào trang 31 phần Mục lục để xem các bản đồ cần sử dụng cho câu hỏi, tránh tình trạng lật từ trang đầu đến trang cuối gây mất thời gian.
  3. Nắm được câu hỏi cần sử dụng Atlat như các dạng : Dựa vào Atlat em hãy kể tên hoặc liệt kê…hoặc các dạng câu hỏi yêu cầu trình bày tình hình sản xuất hoặc quá trình phát triển của ngành em cũng có thể sử dụng Atlat.. Nếu biết cách em có thể đỡ nhớ số liệu nhiều khi sử dụng Atlat vì mỗi bản đồ đều có những số liệu cần thiết thể hiện thông qua các biểu đồ như tròn, đồ thị, cột…nằm bên cạnh bản đồ.
  4. Nắm được số bản đồ cần sử dụng cho một câu hỏi:

+ Đối với dạng câu hỏi đơn giản như : em hãy liệt kê các vùng nông nghiệp, các cảng biển, các mỏ khoáng sản…em chỉ cần sử dụng một bản đồ là đủ.

+ Đối với dạng câu hỏi phức tạp như: "Dựa vào Atlat hoặc kiến thức đã học em hãy trình bày các thế mạnh của vùng Đồng bằng sông Hồng". Với dạng câu hỏi này em cần sử dụng nhiều bản đồ như bản đồ Đất đai, khí hậu, Sông ngòi, Hình thể, Dân số, Giao thông…để trả lời.

Đối với phần học lý thuyết em nên hệ thống lại bài học và đi từ tổng thể đến chi tiết, khái quát đến cụ thể, không nên lao vào học mà không có sự hệ thống bài học. Nếu không hệ thống lại, em sẽ dễ học trước quên sau.Chúc em và các bạn em thành công trong việc ôn thi tốt nghiệp.

* Nhiều bạn bè em tuyên bố bỏ môn Địa lý vì cho rằng được sử dụng Atlat. Em không nghĩ vậy. Nhưng thật sự em không biết sử dụng Atlat như thế nào để đỡ học bài mà vẫn có điểm. Xin thầy cô tư vấn. (Phan My Dung, 18 tuổi, mydung_nice@...)

- Cô Vũ Thị Bắc: Chào em, cô đồng ý với ý kiến của em. Nếu cho rằng chỉ sử dụng Atlat mà được 5 điểm thì có lẽ cả chương trình lớp 12, các em sẽ không phải học gì cả. Tuy nhiên, các em vẫn có thể dùng Atlat để củng cố thêm phần lý thuyết khi đang làm bài mà quên mất phần nào đó hoặc dùng Atlat để đỡ phải nhớ nhiều số liệu do đặc thù môn Địa có rất nhiều số liệu phải thuộc. Còn về cách sử dụng Atlat, cô đã trả lời một câu hỏi phía trên rồi, em có thể tìm đọc nhé.

* Chào cô Bắc, năm nay em thi khối C nhưng nghe nói môn địa rất khó kiếm điểm 10, em phải làm bài như thế nào để đạt điểm cao? (Trần Thị Thương, 18 tuổi tuổi, THT@...)

- Cô Vũ Thị Bắc: Đúng là thi đại học rất khó kiếm điểm 10, ngay cả thi tốt nghiệp cũng vậy, vì môn Địa lý không đơn thuần là môn học thuộc bài mà còn có cả phần thực hành.

Vì thế, muốn đạt điểm cao trong kì thi đại học em cần phải nắm chắc kiến thức phần lý thuyết và làm nhiều dạng bài thực hành hơn để không bị bối rối khi đi thi. Vì cái khó của kì thi đại học chính là yêu cầu vẽ đúng dạng biểu đồ. Nếu sai trong phần vẽ em sẽ mất từ 1,5 đến 2 điểm trong phần thực hành.

Đối với lý thuyết, khi làm bài em nên trình bày chia ra từng ý rõ ràng, logic, không nên viết tràn lan không đúng theo chủ đề câu hỏi. Đối với các câu hỏi mang tính hiểu biết, em nên dựa vào kiến thức đã học để trả lời, tránh trả lời theo ý kiến chủ quan hoặc trả lời dàn trải làm mất nhiều thời gian. Chúc em thành công.

* Không hiểu sao, cứ đến khi học địa lý là em quên trước quên sau, trong khi những môn khác không bị như vậy? (Nguyễn Thị Bích Trà, 18 tuổi tuổi, trabt@...)

- Cô Vũ Thị Bắc: Chào em, nếu em học trước quên sau có nghĩa là em chưa học đúng cách hoặc chưa nhập tâm cho việc học. Lý thuyết môn Địa có nhiều số liệu, em nên tham khảo thêm trong Atlat để đỡ phải nhớ nhiều số liệu. Cách học cô đã trả lời cho các bạn ở trên rồi, em có thể tham khảo thêm. Tuy nhiên học môn gì cũng vậy, cũng cần có sự đầu tư. Cô nghĩ em hãy tập trung cho môn học nhiều hơn một chút thì sẽ thành công thôi.

* Thưa cô Bắc, cô có thể giải thích cho em tại sao 5 năm liền Bộ GD-ĐT cho thi tốt nghiệp môn địa không? Có phải đây là cách làm cho học sinh không được coi thường những môn phụ là sử, địa...? Năm nay em thi khối A1 nên thực sự là em "buông" môn địa từ đầu năm đến giờ. Bây giờ em phải học như thế nào để được 5 điểm môn địa trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới? (Hà Thúc Quỳnh, 19 tuổi quynhha@...)

- Cô Vũ Thị Bắc: Chào em, câu hỏi của em cũng là câu hỏi của nhiều bạn học sinh và nhiều thầy cô. Tuy nhiên, theo cô việc thi môn nào đó là do Bộ Giáo dục và đào tạo bốc thăm lựa chọn. Vì thế, cô cũng không thể trả lời cho em được. Nhưng theo cô, việc cần làm bây giờ là em hãy bắt tay vào việc học môn Địa lý để thi tốt nghiệp cho tốt. Còn cách học như thế nào cô đã trả lời cho các câu hỏi ở phía trên, em có thể tham khảo thêm.

Muốn được 5 điểm môn Địa lý không khó, quan trọng là em có cố gắng để học hay không. Hãy tìm cách học tốt nhất cho mình bằng việc hệ thống lại bài học, đọc Atlat nhiều hơn và thử vẽ các dạng biểu đồ cột, đường, tròn, miền trong phần thực hành…Hãy bắt đầu từ ngay hôm nay, cô nghĩ em sẽ làm được. Chúc em thành công.

Theo Thethaohangngay

NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247!

Nếu em đang: 

  • Mong muốn bứt phá điểm số học tập nhanh chóng
  • Tìm kiếm một lộ trình học tập để luyện thi: TN THPT, ĐGNL, ĐGTD, Vào lớp 10
  • Được học tập với Top giáo viên hàng đầu cả nước

Tuyensinh247 giúp em: 

  • Đạt mục tiêu điểm số chỉ sau 3 tháng học tập với Top giáo viên giỏi
  • Học tập với chi phí tiết kiệm, đầy đủ theo ba đầu sách
  • Luyện thi bám sát cấu trúc từng kì thi theo định hướng của BGD&ĐT

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY



1 bình luận: Tư vấn ôn thi tốt nghiệp và đại học môn Địa năm 2013

  •  
Khoá học lớp 1-12 - Tuyensinh247