19/03/2016 19:20 pm
Chia sẻ của bạn thủ khoa kép Lương Thùy Vy - thủ khoa ĐH Luật TP.HCM bật mí bí quyết ôn thi môn Sử đạt điểm cao và hạ gục ban giám khảo chấm thi: Nhiều bạn cho rằng đây là môn “khó nhai” nhất trong 3 môn thi xã hội (Văn, Sử, Địa) nhưng thực tế, bạn hoàn toàn có thể tự học và đạt điểm cao nếu có phương pháp học đúng. Với môn học này, mình đề cao việc học hiểu. Luôn hỏi vì sao Khi tiếp cận với bất kì đơn vị kiến thức nào, các bạn phải hiểu được bản chất, nguyên nhân, tác động của nó; đừng chỉ đọc đi đọc lại một con số nào đó mà không hiểu nó mang ý nghĩa gì! Khi học sử, hãy luôn đặt câu hỏi tại sao? Vì sao Đảng CSVN chính thức nắm vai trò lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc từ năm 1930 mà không phải mốc thời gian sớm hay muộn hơn? Vì sao ngày 9/3/1945 phát xít Nhật đảo chính Pháp mà không phải ngay từ năm 1940 khi Nhật đặt chân vào lãnh thổ nước ta? Đừng bao giờ mặc nhiên chấp nhận một con số, một ngày tháng có sẵn, hãy hiểu nó hơn là buộc mình phải nhớ nó. Một khi đã hiểu bản chất của một sự kiện, tôi chắc rằng bạn muốn quên cũng khó. Môn Sử không hề "khó nhai" như các bạn thường nghĩ So sánh đối chiếu Lịch sử là một dòng chảy liên tục không dừng lại, hãy phân kì các giai đoạn lịch sử, hiểu được nội dung khái quát của từng giai đoạn, tránh nhầm lẫn sự kiện. Cách học này, là cơ sở để so sánh đối chiếu một hay nhiều đối tượng lịch sử ở từng giai đoạn thời gian khác nhau và đưa ra đánh giá nó phát triển theo chiều hướng nào: tích cực hay tiêu cực?Học Sử phải biết chọn lọcHọc sử tất nhiên phải biết chọn lọc, đánh giá mức độ nặng nhẹ của từng sự kiện để biết được cái gì cần đặc biệt coi trọng cái gì có thể lướt qua Tuy nhiên, kinh nghiệm từ kì thi đại học và cả kì thi học sinh giỏi quốc gia cho thấy, đề thi ngày càng có xu hướng đánh giá kiến thức toàn diện của thí sinh. Thực tế, người ra đề có thể hướng đến những sự kiện lịch sử ít được chú ý hơn để kiểm tra xem học sinh có học một cách toàn diện hay chỉ “tủ” những bài trọng tâm? Kĩ năng làm bài môn Sử Cũng như môn Văn, bên cạnh nền tảng kiến thức, các bạn cũng phải coi trọng kĩ năng viết bài luận Sử. Không nên viết một bài luận không đầu không cuối như một đoạn văn thật dài từ trang này sang trang kia, đó không phải một bài luận sử. Lịch sử là một môn khoa học xã hội, viết bài luận bao gồm mở, thân, kết; trong thân bài lại bao gồm những đoạn nhỏ hơn. Bản thân mình thích lối mở bài tường minh khi viết luận Sử chứ không nên quá trau chuốt, cầu kì như môn Văn. Trong thân bài, tùy đề bài mà xác định các luận điểm lớn và chia thành tiểu mục như 1,2,3 hay a,b,c trong mỗi tiểu mục cũng có thể chia thành từng tiểu mục nhỏ hơn. Viết sử giống viết Văn ở chỗ đó là phải viết có luận điểm, định hướng rõ ràng. Kết bài mình thường nghiêng về đánh giá khái quát lại toàn bộ nội dung chủ đề của bài luận, rồi mở ra phương hướng phát triển của nó ở những giai đoạn lịch sử tiếp theo. Kết bài đồng thời cũng là cơ hội để các bạn đưa ra ý kiến chủ quan hay cảm nhận của mình về ý nghĩa của sự kiện đó song chỉ nên giới hạn trong một câu là đủ vì các bạn phải ý thức mình đang viết luận sử chứ không phải một bài văn biểu cảm. Theo Thethaohangngay |