06/04/2013 08:32 am
Thứ nhất về phần lý thuyết, học sinh nên chọn cho mình một cách học phù hợp nhất để nhớ bài. Sau đây là một số cách: Nhìn tổng thể SGK Địa lý lớp 12 được chia ra làm 4 phần: Địa lí tự nhiên, Địa lí dân cư, Địa lí kinh tế và Địa lí vùng kinh tế. Các phần này đều có mối liên hệ qua lại với nhau. Trước tiên, cần có kiến thức nền trong phần tự nhiên, dân cư, kinh tế và cuối cùng là tổng hợp trong Địa lí vùng kinh tế. Có thể hệ thống lại bằng sơ đồ tư duy, bằng sơ đồ hình cây, bằng bảng hệ thống… Dù làm cách nào cũng đòi hỏi các em phải có sự đầu tư cho việc hệ thống hóa lại bài học. Sau khi đã hệ thống các bài, có thể đi vào chi tiết từng bài. Mỗi bài cũng có thể hệ thống lại xem có bao nhiêu nội dung chính, mỗi ý chính có bao nhiêu ý phụ... dùng bút màu tô đậm những phần quan trọng hoặc gạch dưới những ý chính. Làm theo nguyên tắc từ tổng thể đến chi tiết, từ khái quát đến cụ thể. Có thể ghi mỗi bài ra từng tờ giấy riêng rồi sau đó tập hợp lại, cũng là một cách để nhớ, mà không nhất thiết phải cầm cả cuốn SGK để học, vừa không gây cảm giác nặng nề mà còn giúp hệ thống bài học. Đối với môn Địa lí, thường các em sợ nhất chính là số liệu. Tuy nhiên, không nhất thiết phải nhớ hết số liệu, mỗi ý chúng ta chỉ cần một dẫn chứng, nếu có hai số liệu (phần trăm hoặc số liệu thực tế), có thể chọn một trong hai. Nếu không thể nhớ chính xác các số liệu thì có thể nhớ gần đúng theo kiểu khoảng, gần bằng, lớn hơn... Ví dụ như nước ta có 2.360 con sông dài trên 10km thì các em có thể nhớ là hơn 2.000 con sông… Nếu đã học xong phần kiến thức trong phần tự nhiên, dân cư và kinh tế thì phần cuối cùng Địa lí vùng kinh tế, các em sẽ thấy học rất đơn giản bởi trong phần này có sự lặp lại của phần kiến thức chung. Trong phần kinh tế vùng này tổng hợp nội dung của 7 vùng vào một bảng hệ thống theo kiểu so sánh để dễ nhớ, dễ thuộc mà không bị nhầm lẫn. Trong những năm gần đây, đề thi ĐH thường cập nhật thêm một số nội dung mang tính thời sự, ngoài việc học thuộc lý thuyết, nên tìm hiểu thêm một số vấn đề mang tính thời sự như biển đảo, kinh tế qua sách báo, Internet để phần làm bài có tính thuyết phục hơn. Thứ hai, đối với phần thực hành vẽ biểu đồ: phần này thường chiếm 3 điểm trong bài thi đại học. Nếu biết cách làm thì có thể lấy điểm phần này một cách dễ dàng. Có thể tổng kết phần biểu đồ thành 6 dạng sau: - Biểu đồ tròn: khi đề bài yêu cầu thể hiện cơ cấu, tỉ lệ, tỉ trọng (%) của đối tượng mà dưới 2 năm. Ví dụ thể hiện cơ cấu của ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ của Việt Nam năm 2012... - Biểu đồ cột (đơn, đôi...): khi đề bài yêu cầu thể hiện sự biến động của một đối tượng qua nhiều năm hoặc so sánh các đối tượng khi có cùng đơn vị trong một năm. Ví dụ thể hiện sự biến động dân số, diện tích đất đai... - Biểu đồ đường biểu diễn (đồ thị): khi đề bài yêu cầu thể hiện sự thay đổi, tăng trưởng, diễn biến của các đối tượng khác nhau về đơn vị qua nhiều năm. Ví dụ thể hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế, gia tăng dân số… - Biểu đồ kết hợp giữa đường và cột: khi đề bài yêu cầu thể hiện các đối tượng khác nhau về đơn vị nhưng có mối quan hệ với nhau. Hoặc đề bài có từ ba loại số liệu trở lên mà cần biểu diễn trên cùng một biểu đồ. Ví dụ thể hiện sản lượng khai thác, nuôi trồng và giá trị sản xuất của Việt Nam thì vẽ cột thể hiện sản lượng khai thác và nuôi trồng, đường thể hiện giá trị sản xuất... - Biểu đồ miền: khi đề bài yêu cầu thể hiện rõ nhất sự thay đổi cơ cấu, tỉ trọng của hai hoặc ba nhóm đối tượng mà có từ 3 năm trở lên. Ví dụ thể hiện cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam hoặc cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ từ năm 1990 - 2005. - Biểu đồ cột chồng: khi đề bài yêu cầu thể hiện tốt nhất quy mô và cơ cấu của đối tượng (theo tỉ lệ % tuyệt đối). - Ngoài ra có dạng biểu đồ miền kết hợp với đường: thường dùng biểu đồ này trong trường hợp đặc biệt: ví dụ tỉ lệ xuất khẩu, nhập khẩu, cán cân xuất nhập khẩu, tỉ lệ sinh, tỉ lệ tử, tỉ lệ gia tăng tự nhiên… Đối với phần nhận xét biểu đồ: cũng theo 3 phần là nhận xét chung, nhận xét từng phần rồi tổng kết lại. Câu nhận xét chung thường là: nhìn chung, tổng quan thì giá trị tăng hay giảm. Tùy theo số liệu có thể nhận xét tăng (giảm) liên tục hoặc tăng (giảm) không đều... Sau đó đi vào nhận xét từng phần, chú ý đến các giai đoạn có sự tăng giảm đột biến để nhận xét kỹ hơn (nhớ kèm theo số liệu). Cuối cùng, có thể tổng kết lại bằng cách nhận định xu hướng phát triển hoặc giải thích (tùy theo đề bài yêu cầu). Nếu không yêu cầu giải thích thì không làm. Để sử dụng Atlat trả lời cho các câu hỏi trong quá trình làm bài thi tốt nghiệp, HS cần lưu ý các vấn đề sau: 1. Nắm chắc các ký hiệu: HS cần nắm chắc các ký hiệu chung về khoáng sản, nông nghiệp, công nghiệp, lâm ngư nghiệp... ở trang 3 của quyển Atlat, vì một số bản đồ trong Atlat không in chú thích kèm theo bản đồ như bản đồ khoáng sản trang 8, bản đồ công nghiệp chung trang 21, nông - lâm nghiệp trang 18, 19... 2. Biết rõ câu hỏi để có thể dùng Atlat: Tất cả các câu hỏi có yêu cầu trình bày về phân bố sản xuất hoặc yêu cầu nói rõ ngành đó ở đâu, vì sao ở đó... đều có thể dùng bản đồ của Atlat để trả lời. Các câu hỏi có yêu cầu trình bày tình hình phát triển sản xuất hoặc quá trình phát triển của ngành này hay ngành khác, HS cũng có thể tìm thấy một vài số liệu ở các biểu đồ trong Atlat. 3. Biết khai thác biểu đồ có trong các bản đồ của Atlat: Thông thường mỗi bản đồ ngành kinh tế đều có từ 1 đến 2 biểu đồ (cột, đường, tròn...) bên cạnh thể hiện sự tăng, giảm về giá trị tổng sản lượng, về diện tích (đối với các ngành nông-lâm nghiệp) của các ngành kinh tế, HS cần biết cách khai thác các biểu đồ trong các bài có liên quan để đỡ phải nhớ nhiều số liệu trong phần lý thuyết. 4. Biết sử dụng đủ số bản đồ trong Atlat cho một câu hỏi: Trên cơ sở nội dung câu hỏi cần xem phải trả lời một vấn đề hay nhiều vấn đề, HS có thể xác định những trang bản đồ trong Atlat cần thiết dựa vào phần mục lục cuối cuốn Atlat (trang 31). - Những câu hỏi chỉ cần sử dụng một trang bản đồ của Atlat để trả lời như: “Hãy trình bày nguồn tài nguyên khoáng sản ở nước ta”. Với câu hỏi này chỉ sử dụng bản đồ "Địa chất-khoáng sản” ở trang 8 là đủ. “Hãy nhận xét tình hình phân bố dân cư nước ta?”. Trong trường hợp này, chỉ cần dùng 1 bản đồ “Dân số” ở trang 15 là đủ. - Những câu hỏi cần dùng nhiều trang bản đồ trong Atlat để trả lời như: • Những câu hỏi đánh giá tiềm năng (thế mạnh) của một ngành như: Khi đánh giá tiềm năng của ngành công nghiệp năng lượng, HS không những chỉ sử dụng bản đồ khoáng sản để thấy khả năng phát triển các ngành công nghiệp này mà còn sử dụng bản đồ công nghiệp để thấy vai trò của ngành này với các ngành công nghiệp khác, sử dụng bản đồ sông ngòi để thấy tiềm năng phát triển thủy điện... • Những câu hỏi tiềm năng (thế mạnh) của 1 vùng kinh tế như: Khi phân tích các thế mạnh của vùng Đồng bằng sông Hồng, HS cần dựa vào bản đồ vùng kinh tế Trung du miền núi Bắc bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng trang 26 để xác định giới hạn của vùng, phân tích những khó khăn và thuận lợi về vị trí vùng. Đồng thời HS phải biết đối chiếu giữa bản đồ vùng kinh tế với các bản đồ khác (như đất, khí hậu, sông ngòi, dân cư...) nhằm xác định được đầy đủ các thế mạnh về điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội của vùng. - Loại bỏ những bản đồ không phù hợp với câu hỏi: - Khi đánh giá tiềm năng phát triển cây công nghiệp, HS có thể sử dụng bản đồ: đất, địa hình, khí hậu, dân cư... nhưng không cần sử dụng bản đồ khoáng sản. - Khi đánh giá tiềm năng công nghiệp có thể sử dụng bản đồ khoáng sản nhưng không cần sử dụng bản đồ đất, nhiều khi không sử dụng bản đồ khí hậu... Cuối cùng, qua quá trình chấm thi, tôi đúc kết lại một số lỗi các em hay mắc phải khi làm bài thi: - Làm lạc đề: do không đọc kỹ đề nên trả lời dễ lạc đề hoặc trả lời không đúng trọng tâm. Vì vậy, các em cần đọc thật kỹ đề để xác định xem câu hỏi đó thuộc dạng nào (trình bày, chứng minh, phân tích, so sánh hay giải thích). Sau khi đã phân loại được các dạng bài, có thể phác nhanh dàn bài cho từng câu ra nháp (dàn bài theo dạng sơ đồ hệ thống). Cách viết theo dàn bài này sẽ giúp các em không quên ý, bài viết sẽ mạch lạc và dễ bổ sung các ý còn thiếu. - Thời gian: các em thường phân bố thời gian không hợp lý, dành quá nhiều thời gian cho một câu, trong khi không đủ thời gian làm những câu còn lại, phải làm sơ sài, bỏ ý, bỏ câu, mất số điểm lớn. Đề thi đại học thông thường gồm có 4 câu lớn và trong đó có 6,7 câu nhỏ. Các em cần làm đều cả 4 câu, không thiên lệch câu nào. Từng câu đã quy định số điểm. Việc phân bổ thời gian làm bài chủ yếu dựa vào số điểm này. Làm bài theo nguyên tắc “dễ trước, khó sau” để lấy được điểm các phần mình chắc ăn. Những lỗi thông thường khác cần tránh khi vẽ biểu đồ là thiếu tên biểu đồ, thiếu chú giải, không điền những số liệu cần thiết vào biểu đồ, chia khoảng cách thời gian sai, không ghi đơn vị tính. Các lỗi này sẽ làm các em mất từ 0,25 - 0,75 trên tổng số điểm. Như vậy, việc làm bài thi môn Địa lí thực chất không quá khó nếu các em đã nắm vững một số nguyên tắc khi học và làm bài. Môn Địa lí là môn đòi hỏi sự tổng hợp, có tính logic, không hoàn toàn là môn thuộc bài. Theo Thethaohangngay NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247! Nếu em đang:
Tuyensinh247 giúp em:
Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY |
>> Tổng hợp đề thi thử đại học khối C môn địa lý năm 2013 (Phần 1)
>> Tổng hợp đề thi thử tốt nghiệp môn địa lý năm 2013 (Phần 1)