11/05/2013 15:14 pm
Phát huy tác dụng của những tờ giấy nhớ Không phải bỗng nhiên mà những tờ giấy nhỏ xinh màu hồng, màu vàng thường có trong cặp sách của các bạn lại được đặt tên là “giấy nhớ”. Với công dụng có thể viết bất cứ điều gì và dán lên bất cứ đâu, những mảnh giấy này có rất nhiều ý nghĩa trong việc hỗ trợ trí nhớ của chúng ta. Nếu bạn đang than thở vì không thể nhớ nổi một công thức rắc rối hay một kiến thức phức tạp nào đó, hãy viết công thức, kiến thức đó lên những mảnh giấy nhớ và đừng ngại ngần dán lên bất cứ đâu trong phòng, trong nhà bạn. Hãy dán những tờ giấy "note" thần kì lên bất cứ chỗ nào mà bạn dễ thấy nhất Có một lời khuyên nhỏ là những chỗ bạn thường xuất hiện nhiều nhất thì việc “đập vào mắt” những tờ giấy này lại càng có tác dụng giúp bạn ghi nhớ kiến thức nhanh nhất. Nguyễn Anh (16 tuổi, Q.3, TP.HCM) chia sẻ rằng, cô bạn đã dán nhiều mảnh giấy nhớ viết cấu trúc tiếng Anh lên chiếc gương trong WC. Bởi đó là nơi ngày nào bạn ấy cũng đứng ngắm nghía nhiều lần, từ buổi sáng trước khi đi học, buổi trưa khi đi học về, cho đến buổi tối trước khi đi ngủ… Mỗi lần soi gương là một lần cô bạn “soi” tới mảnh giấy nhớ, chỉ trong vòng vài ngày, cấu trúc tiếng Anh phức tạp ấy đã nằm trong đầu cô bạn lúc nào không hay. Học qua bản thu âm Bạn có đồng ý rằng những gì được đọc hoặc nghe một lần thì bao giờ cũng dễ dàng quên hơn việc được nghe nhiều lần không? Vậy thì đừng ngồi nhìn những bài học Sử, Địa dài ngoằng một cách bất lực nữa, hãy bắt đầu bằng việc đọc lại bài học đó một cách thật rõ ràng, truyền cảm và dùng điện thoại ghi âm lại phần đọc của mình. Sau đó bạn thường xuyên nghe lại bản thu âm này. Nghe lại giọng nói của chính mình sẽ giúp bạn hứng thú hơn khi học bài Ai cũng rất hứng thú nếu được nghe lại giọng nói của chính mình, vì thế, bạn sẽ cảm thấy ngạc nhiên vì sự tập trung đối với những gì mà mình đang lắng nghe. Phương pháp này còn có một điểm cộng tuyệt vời là bạn có thể nghe lại những kiến thức đó ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào, có thể là khi đang lắc lư trên xe bus, có thể đang đi dạo hay chạy tập thể dục… Theo đánh giá của nhiều người, học bằng thính giác là một cách ghi nhớ cực kỳ hiệu quả đấy nhé! Viết và viết thật nhiều Ngồi đọc đi đọc lại theo kiểu học vẹt là cách học thuộc mà nhiều bạn chọn. Nhưng cách này dù có khiến bạn “thuộc bài làu làu” thì cũng không thể giúp bạn ghi nhớ được kiến thức một cách lâu nhất. Vì thế, thay vì ngồi học thuộc bằng miệng, các bạn hãy thử cầm bút viết. Đơn giản lắm, với những bài học, kiến thức cần ghi nhớ, bạn hãy viết đi viết lại nhiều lần lên các trang giấy nháp. Mỗi lần viết lại là một lần bạn học lại kiến thức đó. Càng viết nhiều, bạn sẽ càng “quen” với kiến thức đó hơn. Viết thật nhiều giúp bạn tăng tốc độ viết và ghi nhớ bài lâu hơn Cách này đặc biệt có hiệu quả khi học những môn xã hội như Văn, Sử, Địa… Đặt bút viết thật nhiều, bạn không chỉ ghi nhớ được kiến thức mà còn rèn luyện được tốc độ viết, kỹ năng viết – điều này rất quan trọng khi bạn ngồi làm bài trong phòng thi. “Khi đọc xong đề thi, xác định yêu cầu của đề và định hướng cho bài làm, mình bắt đầu đặt bút viết như một thói quen – không hề run hay luống cuống. Mình viết như kiến thức đó đã mặc định trong đầu mình rồi!” – Đó là kinh nghiệm của bạn Vũ Thu Phương (ĐH Luật Hà Nội) – một dân khối C chính hiệu và đã thành công với phương pháp học “viết và viết thật nhiều” khi ôn thi ĐH. Nếu như bạn đang cần ghi nhớ kiến thức nào đó, thay vì học thuộc bằng cách truyền thống, thụ động, hãy thử áp dụng những cách học trên để biết được hiệu quả thật sự, bạn nhé! Theo Thethaohangngay
|