22/03/2016 23:10 pm
Nắm được lý thuyết hoá học về bản chất là nắm được tính chất vật lý, tính chất hoá học, phương pháp điều chế các chất và các nội dung liên quan như cấu tạo nguyên tử, liên kết hoá học, phản ứng oxi hoá - khử,… Làm thế nào để ôn tập nhanh tính chất và phương pháp điều chế các chất trong thời gian một tuần? Câu trả lời sẽ có ngay dưới đây. Chú ý về tính chất vật lý Học sinh chỉ cần xét các nội dung cơ bản như trạng thái, màu sắc, mùi, tính tan (trong nước, trong dung môi hữu cơ), nhiệt độ nóng chảy, nhiệt độ sôi. Những lưu ý về tính chất hoá học Để nắm được tính chất hoá học của một chất vô cơ, các em chỉ cần tập trung xét theo các nội dung: Tính axit - bazơ: Cần xét xem chất đó có tính chất axit, bazơ, lưỡng tính hay trung tính theo thuyết Bronsted. Tính oxi hoá - khử: Cần xét xem chất đó có tính oxi hoá hay tính khử hay cả tính oxi hoá và khử. Trong nội dung này cần chú ý tới các số oxi hoá có thể có của nguyên tố trung tâm trong chất theo một trong ba nguyên tắc: Nếu nguyên tố trung tâm có số oxi hoá cao nhất của nó thì chất chỉ có tính oxi hoá (vì nó chỉ có thể giảm số oxi hoá). Nếu nguyên tố trung tâm có số oxi hoá thấp nhất của nó thì chất chỉ có tính oxi khử (vì nó chỉ có thể tăng số oxi hoá). Nếu nguyên tố trung tâm có số oxi hoá trung gian của nó thì chất có cả tính oxi hoá và tính khử (vì nó chỉ có thể giảm hoặc tăng số oxi hoá). Tính chất riêng (nếu có): Khả năng phân huỷ (bởi nhiệt hoặc bởi ánh sáng?), các phản ứng đặc biệt của chất đó. Trong mỗi nội dung, học sinh cần lấy các phản ứng phù hợp để minh hoạ. Khi lấy phản ứng minh hoạ, cần cho chất đó phản ứng với các chất có tính chất ngược với nó. Chẳng hạn chất có tính chất axit thì phải cho phản ứng với chất có tính chất bazơ, chất có tính khử thì phải cho phản ứng với chất có tính oxi hoá. Ví dụ 1: Kim loại chỉ có tính khử (vì chúng chỉ có các số oxi hoá là 0 và dương), phi kim (trừ oxi và flo) đều có cả tính oxi hoá và tính khử (vì chúng có cả số oxi hoá âm, 0 và dương). Ví dụ 2: HNO3 sẽ có tính chất axit, tính oxi hoá (vì nitơ có số oxi hoá +5, là số oxi hoá cao nhất của nitơ), phản ứng phân huỷ chậm bởi ánh sáng. Ví dụ 3: SO2 có tính chất axit (vì nó là oxit axit), tính oxi hoá và tính khử (vì lưu huỳnh có số oxi hoá +4, là số oxi hoá trung gian của lưu huỳnh). Để nắm được tính chất hoá học của một chất hữu cơ chứa nhóm chức, các em cần tập trung xét theo các nội dung sau Tính chất của nhóm chức: Chỉ có nhóm chức phản ứng, còn gốc hidrocacbon không bị biến đổi. Như vậy, các em chỉ cần học tính chất của các nhóm chức như -OH, -COOH, … Tính chất của gốc hidrocacbon: Chỉ có gốc hidrocacbon phản ứng (phản ứng thế hidro của gốc; phản ứng cộng, trùng hợp,… với gốc không no). Phần này các em chỉ cần nắm được tính chất của hidrocacbon thì sẽ áp dụng được. Tính chất do cả gốc và nhóm chức đều tham gia: Cả gốc hidrocacbon và nhóm chức đều bị biến đổi. Tính chất riêng: Chỉ chất đó có, còn đồng đẳng với nó không có. Ví dụ 1: Ancol etylic (C2H5OH) có các tính chất của nhóm -OH (tác dụng với kim loai kiềm, phản ứng tạo ete, phản ứng este hoá), tính chất do cả gốc và nhóm chức đều tham gia là phản ứng tách nước tạo anken, tính chất riêng là phản ứng tạo buta-1,3-dien. Ví dụ 2: Axit acrylic (CH2=CH-COOH) có các tính chất của nhóm -COOH (tính axit, phản ứng este hoá), tính chất của gốc hidrocacbon (phản ứng cộng vào nối đôi, phản ứng trùng hợp). Chú ý phương pháp điều chế Chỉ cần nắm được phương pháp điều chế (trong phòng thí nghiệm và trong công nghiệp) những chất được nêu trong sách giáo khoa. Phần này các em có thể lập thành bảng điều chế các chất với 3 cột: công thức của chất, điều chế trong phòng thí nghiệm, điều chế trong công nghiệp. Ví dụ 1: Điều chế clo Trong phòng thí nghiệm: Cho dung dịch HCl đặc tác dụng với các chất có tính oxi hoá mạnh như KMnO4, MnO2, K2Cr2O7. Trong công nghiệp: Điện phân dung dịch NaCl có màng ngăn. Ví dụ 2: Điều chế nhôm Trong phòng thí nghiệm: Không điều chế Trong công nghiệp: Điện phân Al2O3 nóng chảy có mặt của criolit (Na3AlF6). Cần lưu ý rằng, phương pháp điều chế chất này chính là một phản ứng thể hiện tính chất hoá học của chất khác. |